0933 468 999

LƯU Ý VỀ THỜI ĐIỂM VÀ THỜI KỲ LẬP HÓA ĐƠN NĂM 2016

Xác định thời điểm và thời kỳ lập hóa đơn

Theo các chuyên gia tài chính – kế toán, kế toán và các cán bộ ở các phòng ban trong doanh nghiệp (DN), thường thì lập và nhận các hóa đơn sai thời điểm và thời kỳ là do không để ý đến quy định rất khắt khe của pháp luật. Theo Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC  về việc DN được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào và theo Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC  ngày 22/6/2015 (áp dụng từ ngày 06/8/2015) về việc quyết toán vào chi phí được trừ thì: Đối với các hóa đơn đầu vào (hóa đơn GTGT) bị sai thời điểm có nguy cơ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Theo Khoản 2 Điều 16Thông tư số 39/2014/TT-BTC  quy định rõ về thời điểm lập hóa đơn tài chính khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ như sau:

– Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

– Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền…

– Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng…

– Ngày lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu do người xuất khẩu tự xác định phù hợp với thỏa thuận giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu. Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

Trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh; cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ…

Thực tế hoạt động của DN và các mức xử phạt theo quy định

Từ thực tế hoạt động của DN, có thể chỉ ra một số tình huống liên quan đến thời điểm và thời kỳ lập hóa đơn tài chính mà các DN vi phạm. Để giúp DN hiểu rõ hơn các quy định của Bộ Tài chính, bài viết sẽ đề cập đến các trường hợp thực tế như sau:

Thứ nhất, DN xuất kho giao hàng (hàng hữu hình) ngày 01/5/2015 nhưng đến ngày 02/5/2015 hoặc ngày 05/5/2015 bên bán mới lập hóa đơn tài chính giao cho bên mua mua. Vi phạm này bị xử phạt theo Điểm a Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT-BTC  cụ thể như sau: i) Phạt cảnh cáo nếu việc lập hóa đơn không đúng thời điểm không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung hình phạt là 4 triệu đồng; ii) Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi khác lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định.

Thứ hai, DN xuất kho giao hàng nhiều lần ở tháng 5/2015 và cuối tháng 5/2015 mới lập hóa đơn GTGT cho người mua. Trường hợp này quy về xuất khống vì theo Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC thì: “Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng”.

Thứ ba, DN bán hàng thống nhất với bên mua là giao hàng cho đến khi nào hết hàng (lô hàng lớn hàng nghìn tấn hàng) thì hai bên nghiệm thu và bên bán lập hóa đơn một lần vì bên mua không đồng ý lấy nhiều hóa đơn. Lúc này sẽ xảy ra các trường hợp:

– Bên bán giao hết hàng cho bên mua và cuối tháng đó xuất hóa đơn thì xử phạt từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

– Bên bán giao hết hàng cho bên mua và sang tháng sau mới xuất hóa đơn (lệch tháng): Bên bán bị xử phạt về hành vi kê khai, nộp thuế chậm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC  và Thông tư số 26/2015/TT-BTC.

– Bên bán giao hết hàng cho bên mua và sang năm sau mới xuất hóa đơn (lệch năm) ví dụ bên bán giao hàng từ năm 2015 sang năm 2016 bên bán mới xuất hóa đơn thì phần hàng giao năm 2015 không xuất hóa đơn để kê khai, nộp thuế bị xử phạt như sau: Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Điểm d Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT-BTC đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên. Xử phạt về hành vi kê khai man, trốn thuế GTGT và thuế TNDN năm 2015 theo Thông tư số 166/2013/TT-BTCNghị định số 12/2015/NĐ-CP  và Thông tư số 26/2015/TT-BTC (truy thu một lần số thuế trốn, phạt (tính tiền) chậm nộp 0,05%/1 ngày chậm nộp và phạt bổ sung từ 20% – 300% số thuế trốn đó).

Thứ tư, bên bán lập hóa đơn trước cho bên mua để bên mua về làm các thủ tục giải ngân (thanh toán) còn hàng thì giao vào tháng sau. Đây là hóa đơn khống, bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo Khoản 5 và Khoản 6 Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT-BTC đối với hành vi lập hóa đơn khống (hóa đơn bất hợp pháp) và phải hủy hóa đơn.

Thứ năm, bên bán giao hàng cho bên mua vào ngày 31/12 của năm trước, lập hóa đơn vào ngày bên mua trả tiền (bên mua thanh toán chậm sang ngày 03/01 năm sau). Xuất hóa đơn chậm nhưng lệch năm, bị quy về khai man, trốn thuế, xử phạt như trường hợp 3 tình huống thứ 3.

Thứ sáu, bên bán cung cấp dịch vụ và thu tiền:

– Khi dịch vụ hoàn thành thì bên bán chưa lập hóa đơn tài chính mà khi nào bên mua thanh toán trả nợ cho bên bán, bên bán lúc đó mới lập hóa đơn tài chính gửi cho bên mua: Hóa đơn lập sai thời điểm, bên bán bị phạt từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

– Khi dịch vụ hoàn thành thì bên bán đợi cuối tháng mới lập hóa đơn tài chính gửi bên mua: Hóa đơn lập sai thời điểm.

– Khi dịch vụ chưa hoàn thành mà bên mua dịch vụ thanh toán trước thì bên bán dịch vụ chưa phải lập hóa đơn tài chính gửi cho bên mua: Bên bán phải lập hóa đơn tài chính gửi bên mua vì theo Điểm a Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 39/2014/TT-BTC: “Phải lập hóa đơn khi thu tiền: Dịch vụ chưa hoàn thành (ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền) đối với thanh toán trước, lập hóa đơn khi dịch vụ hoàn thành (ngày lập hóa đơn là ngày dịch vụ hoàn thành) đối với thanh toán sau”.

Tuy nhiên, với 4 nhóm hàng được lập hóa đơn theo tháng là điện, nước, viễn thông, truyền hình; khi dịch vụ hoàn thành thì bên bán mới lập ngay hóa đơn tài chính gửi bên mua; khi dịch vụ chưa hoàn thành mà bên mua dịch vụ thanh toán trước thì bên bán dịch vụ lập hóa đơn tài chính gửi cho bên mua với giá trị tương ứng với số tiền đã thanh toán… Đây là cách lập hóa đơn tài chính đúng thời điểm mà không bị pháp luật xử phạt.

Comments

comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *